Tại Đắk Lắk cũng như các tỉnh thành trong cả nước, phong trào khởi nghiệp đang được xúc tiến và cổ vũ mạnh mẽ, nhất là trong lớp trẻ có hoài bão, khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân mình và cộng đồng, xã hội.
Sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được thực hiện một cách đa dạng và có chiều sâu hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Theo đó, để phong trào khởi nghiệp ở Đắk Lắk đi vào thực chất và hiệu quả, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn, hội ở đây đã chung tay xây dựng nên “hệ sinh thái khởi nghiệp” nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người trong cuộc đi đến thành công.
Sâu rộng phong trào khởi nghiệp
Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm cụ thể hóa kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp” của địa phương trong hiện tại và tương lai. Cuộc thi lập tức thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia với nhiều lĩnh vực, nội dung phong phú như nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, công nghệ thông tin… Đây thực sự là “sân chơi” bổ ích và giàu ý nghĩa, bởi ở đó nhiều ý tưởng (dự án) khởi nghiệp đã nhận được sự động viên, khích lệ tinh thần cũng như lời khuyên, tư vấn có giá trị từ cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân thành đạt cùng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá: Qua đây, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ đã được bảo trợ, hay nói cách khác là được “ươm mầm” trong hệ sinh thái toàn vẹn và đúng nghĩa.
Một số ý tưởng (dự án) tiêu biểu như “Liên kết chuỗi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và chuỗi hệ thống đầu ra trên địa bàn Đắk Lắk” của anh Trần Thế Châu; “Giàn phơi quần áo tự động thông minh” – Bùi Tuấn Anh; “Sản xuất, kinh doanh hạt mắc ca” – Nguyễn Thị Thu Phương; “Cung cấp giống cây trồng – Tư vấn, hướng dẫn và áp dụng khoa học, kỹ thuật nông nghiệp hiện đại” – Y Thuyn Niê; “Sản xuất nấm rơm trong nhà giữ nhiệt” – Trần Thị Hoàng Hà; “Chế biến Trà mãng cầu” – Nguyễn Văn Sơn… đã được các doanh nghiệp có danh tiếng trong và ngoài tỉnh như Tập đoàn Hùng Nhơn, Cơ khí Viết Hiền, Hoàng Linh Group, Công ty Thương mại – Dịch vụ XNK Đăng Phong, Công ty Cổ phần Bất động sản Hưng Gia Khang… kết nối và cam kết hỗ trợ triển khai thực hiện.
Ngoài ra còn có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng khác cũng đang được các cấp, ngành, tổ chức, đoàn, hội ở địa phương tích cực giới thiệu cho các nhà bảo trợ tìm đến kết nối.
Từ năm 2020 đến nay, Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh nhằm cung cấp giải pháp cần thiết, kịp thời cho những doanh nhân, doanh nghiệp giàu khát vọng trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận và vươn lên. Các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân cũng tăng cường xúc tiến, hướng dẫn các thành viên tham gia đổi mới, sáng tạo trong phong trào khởi nghiệp như: khởi nghiệp xanh; khởi nghiệp với sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk trở nên mạnh mẽ và sâu rộng hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng: Từ những hạt nhân phong trào này, Đắk Lắk đã liên tục và tự tin mở ra những ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh trong ba năm vừa qua; đồng thời tích cực và chủ động tham gia những sự kiện tương tự do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tại một số tỉnh, thành phố ở phía Nam và phía Bắc trong những năm 2022 – 2023. Đây chính là những động lực mới nhằm tiếp sức cho phong trào đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk vào những năm tiếp theo.
Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, doanh nhân thành đạt thì câu chuyện khởi nghiệp ở đây tất yếu phải có ý tưởng, càng khác biệt và mới mẻ càng tốt.
Để ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực và thành công cần hội đủ những yếu tố cần thiết như tài chính, quản trị kinh doanh, thông tin thị trường, xu thế phát triển và nhiều cơ chế liên quan khác.
Tất cả được hiểu là hệ sinh thái phục vụ cho mục tiêu khởi nghiệp. Kiến tạo được hệ sinh thái này không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực, chia sẻ của cộng đồng và xã hội.
Trong đó, vai trò của chủ thể khởi nghiệp là trung tâm, các mối quan hệ chung quanh là quan trọng để cùng nhau nâng đỡ cho ý tưởng đã sẵn sàng. Nếu không nhận diện đúng và thiếu đi một trong những yếu tố trên thì việc khởi nghiệp khó lòng đạt được kết quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Việt Đức – Cố vấn cấp cao SVF lĩnh vực đầu tư – CEO (Công ty Cổ phần Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam) nhận định: Trên thực tế, có khá nhiều ý tưởng (dự án) khởi nghiệp bị “phá sản” ngay từ đầu do chưa đáp ứng được các yêu cầu trên.
Ở Đắk Lắk, có không ít doanh nhân trẻ khởi nghiệp với mức độ thành công còn thấp vì nhiều lý do – hoặc thiếu sự kết nối, hoặc thiếu kinh nghiệm, tài chính, quản trị kinh doanh và những điều kiện khác.
Ở đây vẫn còn nhiều ý tưởng khởi nghiệp chưa được biết tới và tất nhiên chưa được hiện thực hóa do không được bảo trợ, giúp đỡ từ nhiều phía: nhà nước, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, khiến không ít dự án có tính khả thi cao chưa đi vào đời sống để có thể làm thay đổi hoàn cảnh bản thân, gia đình và xã hội của chủ thể tham gia khởi nghiệp.
Vì thế, trong chiến lược lâu dài và bền vững, Đắk Lắk cần phải có những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời, thường xuyên để những cá nhân, tổ chức có ý thức khởi nghiệp triển khai, tiếp cận hệ sinh thái như đã nêu một cách chủ động hơn nhằm bắt nhịp và đồng hành cùng mục tiêu đặt ra trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo Phương Đình/Báo Đăk Lăk