Trách nhiệm xã hội của doanh nhân không phải việc làm từ thiện, mà đó là một biểu hiện của lòng biết ơn với những ân tình đã đóng góp nên thành công của ngày hôm nay.
Có tâm nên có tầm
Người khởi sự kinh doanh, trước khi vươn tới được thành công, vươn tới cái “tầm” doanh nhân thành đạt, đều cần xuất phát từ cái “tâm”. Đó là cái tâm kinh doanh chân chính, cái tâm ứng xử phù hợp, cái tâm cầu thị học hỏi, từ từ tiến lên.
Một người, khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, cũng đã bắt đầu khởi tâm giúp đỡ người khác. Một doanh nghiệp nhỏ xíu cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho một vài người, nuôi sống một vài gia đình. Một doanh nghiệp tầm cỡ có thể lên tới hàng ngàn người lao động, nuôi sống hàng ngàn gia đình với rất nhiều người phụ thuộc. Chính bởi lẽ đó mà có thể nói rằng, trách nhiệm xã hội lớn nhất của một doanh nhân chính là kinh doanh thành công, là đảm bảo hoạt động ổn định của doanh nghiệp.
Kinh doanh thì phải tạo ra lợi nhuận, để ngày càng có thể tái đầu tư, phát triển, ảnh hưởng tới nhiều người, nhiều gia đình hơn nữa. Cái “Tâm” của doanh nhân có lẽ không cần đặt ở đâu quá xa xôi, mà đặt chính ở trong công việc kinh doanh của mình, phát triển bản thân, phát triển đội ngũ. Cái Tầm của doanh nhân cũng sẽ có một nền tảng vững chắc để phát triển từ đây.
“Ai nên khôn không dại đôi lần” – câu nói của cổ nhân càng suy ngẫm càng thấy thấm, nhất là với những ai lao mình vào thương trường nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thử thách. Kể cả những người sinh ra đã ở vạch đích, là thế hệ F1 trong các gia đình có truyền thông kinh doanh, hay người kế nhiệm trong các doanh nghiệp đã có nền tảng sẵn, con đường đi đến thành công chưa chắc đã chỉ một màu hồng.
Không khó để bắt gặp những câu chuyện của các doanh nhân thành đạt, một ngày tĩnh lặng ngồi xuống kể về những hồi ức cuộc đời: Ngày khởi nghiệp đầy hoài bão và nhiệt huyết. Thành công có thể đến sớm, cũng có thể không. Những khúc quanh thất bại. Những hoàn cảnh cam go, thậm chí là đe doạ phá sản. Có người may mắn gặp được những người thầy, người bạn, người hỗ trợ, những quý nhân trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng. Những hỗ trợ về vật chất, tinh thần, những lời chỉ dạy, những bài học…
Những lần đứng lên sau thất bại giữa những ân nghĩa cuộc đời. Và rồi, thành công lại tới, cuộc đời lại mỉm cười, công việc kinh doanh lại có những kết quả tốt đẹp, nở hoa. Những hồi ức đó cũng chính là lý do khiến cho những người doanh nhân chân chính lắng mình khi ngồi lại trò chuyện về cuộc đời, về thương trường, về kinh doanh – làm gì cũng nên đặt chữ Tâm lên đầu. Có Tâm, có quyết tâm, ắt sẽ có thành công.
Có tầm giữ vững tâm
Triết lý kinh doanh của phương Đông có câu “cho tiền cho vàng chứ không ai chỉ đàng cho đi”. Tư duy này đã có lúc ảnh hưởng đến suy nghĩ của doanh nhân nói riêng, và cộng đồng nói chung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hay doanh nhân đồng nghĩa với việc làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cụ thể nào đó trong cộng đồng, thường là bằng hỗ trợ vật chất.
Cho vàng cho bạc cho tiền cho của… tuy không dễ nhưng cũng không phải là quá khó, nhất là đối với những người… có tiền. Nhưng khi suy nghĩ sâu xa hơn nữa về cái “tầm” của doanh nhân, thì tiền hay vật chất chưa chắc là cái quý nhất họ sở hữu. Kinh nghiệm xương máu, bài học để đời, khả năng quản trị, đối nhân xử thế, khả năng huy động nguồn lực,… mới là những tài sản không gì mua được, mà càng chia sẻ ra lại càng được nhân cao giá trị. Bởi vậy, cái “tầm” của doanh nhân có “tâm” chính là ở khía cạnh họ sẵn sàng chia sẻ, dẫn dắt và hỗ trợ giới trẻ làm kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Xu hướng những doanh nhân thành công trở thành nhà đào tạo, người chia sẻ – truyền cảm hứng với mong muốn cùng phát triển nên một thế hệ doanh nhân mới, hiện đại – đa năng, giàu bản lĩnh, kiến thức, trải nghiệm, có tầm, hướng tầm vươn lên.
Sẵn sàng “chỉ đàng cho đi” cũng chính là cách “trả ơn” tốt nhất với những quý nhân trước đó đã hỗ trợ mình, đã sẵn sàng chỉ cho mình con đường để phát triển. Bài học lớn của cuộc sống là có nhận thì phải cho đi. Trả ơn không nhất thiết phải báo đáp chính người đã gieo ơn cho mình, mà trách nhiệm xã hội lớn hơn của doanh nhân, chính là tiếp tục gieo mầm cho tương lai hướng tới việc tạo dựng xã hội ngày một cường thịnh, văn minh.