Là chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái về những phương thức mà doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nhân trẻ cần phải nắm được để phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo anh Phạm Đình Đoàn, dự báo kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 vẫn tiếp tục thách thức doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận tài chính, quy định kinh doanh, hợp tác giữa các tác nhân hệ sinh thái, tiếp cận lao động có tay nghề…
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã nhắc đến mục tiêu ưu tiên tăng trưởng, đạt được kịch bản cao là 6,5% trong năm nay sau khi tăng trưởng GDP quý I tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay, với mức tăng 5,66%.
Đây là cơ hội của doanh nghiệp. Vì Chính phủ, các bộ, ngành đang nhận diện rất rõ tình hình khó khăn của doanh nghiệp, những vướng mắc trong môi trường kinh doanh, nên khi xác định ưu tiên tăng trưởng, chúng tôi kỳ vọng sẽ có các giải pháp đồng bộ, nhất quán, có tác động thực sự, được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp cần tranh thủ thời cơ này, bắt đầu từ việc chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị tâm thế để kịp đón nhận.
PV: Cụ thể, doanh nghiệp nên tính toán đến những phần việc gì, thưa anh?
Tôi muốn chia sẻ thêm thông tin khảo sát nhiều doanh nghiệp trên thế giới, xem họ điều chỉnh chi tiêu thế nào.
Cụ thể, 81% doanh nghiệp thay đổi quy trình kinh doanh, giảm chi tiêu không cần thiết; 74% thay đổi hành vi mua hàng công nghệ; 43% chậm lại việc tuyển dụng; 66% doanh nghiệp tăng chi tiêu cho công nghệ thông tin và 75% doanh nghiệp sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 2 năm tới.
Rõ ràng, sau giai đoạn dịch bệnh, sau xung đột, biến động địa chính trị, vận động của xu thế phát triển mới của môi trường kinh doanh toàn cầu, cách thức vận hành, phát triển kiểu cũ không còn phù hợp. Nhưng đây chính là cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, các mô hình kinh doanh dựa trên chuyển đổi số, hệ sinh thái kết nối mở, dùng chung các tài nguyên, nguồn lực… đang mở ra.
Trong mô hình này, doanh nghiệp sẽ tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả hơn, đòi hỏi các nhà quản trị phải thiết kế lại bộ máy, cơ cấu tổ chức. Tái cấu trúc doanh nghiệp cần được đặt lên hàng ưu tiên hành động ngay.
PV: Trong quá trình này, theo anh, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì?
Tôi muốn chia sẻ 5 bài học đắt giá mà doanh nghiệp nên lưu tâm.
Một là, không được phép vội vàng trong xây dựng chiến lược kinh doanh. Một chiến lược kinh doanh cần dựa trên căn cứ xác đáng, cụ thể, thuê tư vấn (nếu cần) và không nóng vội.
Hai là, nghiên cứu thị trường thật kỹ, chuyên sâu và thường xuyên, định kỳ. Nếu không nắm được động thái các đối thủ cạnh tranh, chúng ta sẽ thua.
Ba là, không tham kinh doanh đa ngành khi năng lực (vốn tự có, nhân lực…) chỉ đủ khả năng làm một ngành. Đã có người thất bại vì lầm tưởng thành công một lĩnh vực sẽ thành công mọi lĩnh vực.
Bốn là, phải xây dựng lợi thế cạnh tranh.
Năm là, thế kỷ XXI là thế kỷ của teamwork, của sự hợp tác, liên doanh, liên kết win-win trong thị trường rộng lớn hơn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải học cách làm chuyên nghiệp, tử tế, minh bạch hơn… Cần tư duy nghĩ lớn và dài hạn hơn để thành công.
PV: Cụ thể là gì, thưa anh?
Doanh nghiệp thành công hay không chỉ yếu là do người đứng đầu. Do vậy, các chủ doanh nghiệp cần phải xác định rất rõ nguyên tắc nghiêm túc với bản thân, thể hiện qua việc thiết lập mục tiêu, phát triển bản thân; nỗ lực bản thân, học hỏi, đọc sách, học từ người khác, học cả các bài học thất bại…
Chúng ta đừng bao giờ mong mọi thứ dễ dàng, đừng mong mọi thứ ít thử thách.
Đặc biệt, cần phải hành động, kỷ luật và trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn thế nào, chúng ta cần xác định tâm thế lạc quan. Lạc quan là cách thức tốt nhất để vượt qua mọi thất bại và cũng là cách thúc đẩy chúng ta tham gia giải quyết những khó khăn chung.
Tôi muốn chia sẻ thêm suy nghĩ cá nhân rằng, mọi thứ xung quanh thay đổi quá nhanh về phương thức, quy mô và công nghệ. Dừng một ngày là chúng ta mất 3 ngày cơ hội. Hãy thay đổi tư duy “Keep Running”, làm việc “ Teamwork “ để nhanh chóng nâng cao năng lực cốt lõi để phát triển tăng tốc , hiệu quả và dẫn đầu.
Đó là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển bền vững…
PV: Xin cảm ơn anh!
Theo Linh An/Báo Đầu Tư
(Website VYEA biên tập lại)