Tôi vẫn thường nghe các chủ doanh nghiệp bạn tôi than rằng sức mua từ người tiêu dùng suy giảm mạnh thời gian qua khiến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Doanh nhân phải tìm kiếm các giải pháp khắc phục như giảm giá, tăng khuyến mãi hay thậm chí là cắt giảm nhân sự.
Lạm phát đang có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giá vàng “điên loạn” những tháng qua và sự tăng giá của USD kéo thêm áp lực lên giá nguyên vật liệu nhập khẩu, gây ra tình trạng “bão giá nguyên liệu”.
Những biến động này làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc duy trì mức giá bán cạnh tranh.
Tôi cũng thường nghe các bạn doanh nhân nói việc duy trì kinh doanh và giữ cho được doanh số hiện là mục tiêu chứ không phải là mở ra các dự án mới đầy tham vọng. Bởi tiếp cận nguồn vốn là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy trình vay vốn phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục và điều kiện khắt khe khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn tài chính. Điều này làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất và triển khai các dự án mới của họ.
Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, làm giảm nhu cầu thị trường quốc tế với hàng hóa Việt Nam. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đối mặt nguy cơ giảm đơn hàng.
Việc tìm kiếm thị trường mới và giữ vững đơn hàng xuất khẩu trở thành thử thách lớn. Trong bối cảnh đầy thử thách này, việc xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là điều cấp thiết.
Sau nhiều vụ đại án, có một bộ phận cán bộ công chức “thủ thế”, đùn đẩy công việc, làm chậm quá trình xử lý các thủ tục hành chính, gây ra sự cản trở lớn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án, kế hoạch mới.
Đó là chưa kể trường hợp như vài người bạn của tôi nói rằng họ luôn ở trong tình trạng “lo nơm nớp”: thường xuyên tìm hiểu xem mình có đang vô tình vi phạm gì về các quy định liên quan kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… để có thể bị “dính” pháp luật hay tạm dừng xuất cảnh hay không.
Nỗi lo đó không chỉ ít nhiều làm tăng chi phí hoạt động mà còn khiến các doanh nhân mất đi sự tự tin cần thiết trong việc phát triển và mở rộng kinh doanh.
Tôi cho rằng các quy định pháp luật cần được xây dựng cụ thể, dễ hiểu và dễ áp dụng, giúp doanh nghiệp dễ tuân thủ. Cần bớt các thủ tục hành chính rườm rà, cải cách theo hướng tinh gọn, nhanh chóng và minh bạch.
Đồng thời đảm bảo tính ổn định và nhất quán của các quy định pháp luật để doanh nghiệp có thể dựa vào đó lập kế hoạch dài hạn.
Đặc biệt cần tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, cần tránh việc đồng nhất các hành vi vi phạm hành chính với vi phạm hình sự, tạo điều kiện cho doanh nhân hoạt động kinh doanh một cách tự tin và chủ động là việc mà Nhà nước phải quan tâm và thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Cần tạo kênh thông tin chính thức để doanh nghiệp có thể giao tiếp và phản hồi trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước. Tránh việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với tỉ lệ hợp lý và chỉ khi thực sự cần thiết. Đồng thời tập trung thanh tra, kiểm tra vào những lĩnh vực có rủi ro cao về vi phạm và gian lận và giảm thiểu thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Tôi vẫn tin là trong cái khó sẽ ló cái khôn. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam cần phải linh hoạt, nhạy bén và không ngừng nỗ lực để vượt qua những thách thức.
Đồng thời Chính phủ cần tiếp tục cải cách, hỗ trợ và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, mở hơn và minh bạch để doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững và hiệu quả.
Theo Nguyễn Tuấn Quỳnh/Báo Tuổi Trẻ