Là ý kiến của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ – Hành động của Đoàn” với chủ đề “Sứ mệnh thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, diễn ra chiều 13/3 tại Hà Nội.
Diễn đàn do Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức, nhằm đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của thanh niên góp phần đưa công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi phát triển.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều câu hỏi liên quan đến hỗ trợ chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) cho thanh niên trong học tập, làm việc và khởi nghiệp đã được đại diện Ban Bí thư T.Ư Đoàn trả lời, trong đó đề cập tới vai trò của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong thúc đẩy khởi nghiệp trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chị Trần Thùy Nhi, Phó giám đốc Công ty TNHH Vina Handicrafts, Giải thưởng Lương Định Của năm 2024, Ủy viên Ủy ban Hội Doanh nhân trẻ Ninh Bình gửi câu hỏi: Tổ chức Đoàn có những giải pháp gì để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tự tin hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ chiến lược như AI, Blockchain, công nghệ sinh học?
Có cùng quan tâm với chị Nhi, anh Đinh Võ Hoài Phương, nhà sáng tạo nội dung số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, ẩm thực cũng gửi tới diễn đàn mong muốn Đoàn hỗ trợ giới trẻ tiếp cận AI nhiều hơn, chẳng hạn tiếp cận sử dụng AI với mức giá hợp lý hơn; hỗ trợ kỹ năng để tiếp cận AI dễ hơn, biết cách ứng dụng vào học tập, công việc…

Trả lời các câu hỏi trên, theo Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Tường Lâm, năm 2022, Chính phủ ban hành Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, trong đó T.Ư Đoàn là đơn vị chủ trì.
“Chúng tôi đã xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, đến hỗ trợ kiến thức quản trị kinh doanh, pháp lý, đưa sản phẩm ra thị trường… Năm 2025 sẽ là năm T.Ư Đoàn sơ kết chương trình này thì chúng ta sẽ có một bức tranh toàn diện của thanh niên về khởi nghiệp”, anh Lâm nói.
Anh Lâm cho biết: Chúng tôi xác định trường học, viện nghiên cứu… sẽ là môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, làm sao phát triển mạnh mẽ hơn nữa các sản phẩm nghiên cứu, tăng thiết chế để hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ hai, là nhóm thanh niên làm kinh tế nông nghiệp vùng sâu, vùng sâu. Qua phong trào Bình dân học vụ số, chúng tôi sẽ cập nhập, hỗ trợ kiến thúc về chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ…để sản xuất thông minh.
Thứ ba, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, với mức đóng góp hàng năm cho nền kinh tế lên tới 40 tỉ USD, sẽ vận động doanh nhân trẻ đóng góp cho sự phát triển của khoa học công nghệ của đất nước, cũng là giúp cho sản xuất kinh doanh của chính mình thuận lợi hơn.
Cũng theo anh Lâm, AI xuất hiện tạo ra sự thay đổi rất lớn. “Tổ chức Đoàn, Hội thông qua phong trào “Bình dân học vụ số” để nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức về AI cho thanh niên. Khi có nhận thức tốt, thanh niên sẽ chủ động tìm hiểu, tìm kiếm sự hỗ trợ của AI cho từng công việc cụ thể của mình” – anh Lâm khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, TS Khúc Thế Anh, Giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị T.Ư Đoàn có thể liên kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam để tài trợ cho các dự án nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng, đồng thời thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học, từ đó giúp giảng viên trẻ và sinh viên thấy rõ giá trị thực tiễn của công việc nghiên cứu. Phản hồi hiến kế của TS Khúc Thế Anh, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn rất ấn tượng và cho rằng, hiến kế này có tính khả thi cao, sẽ có thể được thực hiện trong thời gian tới. |