Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, không chỉ là một nhà lãnh đạo vĩ đại mà còn là một tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ và phong cách sống. Tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Lời Bác Hồ năm xưa vẫn vang vọng, soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là các doanh nhân trẻ, những người đang nắm giữ vận mệnh kinh tế đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cao một cách xứng đáng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Bác Hồ đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn[1].
Trong bức thư Bác gọi giới công thương là “các Ngài”. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”. Bác viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay, Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”. Như vậy, về vị trí của giới doanh nhân, Bác đã khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn – tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh. “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công – Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công – Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”. Bức thư chưa đầy 200 chữ, nhưng có thể coi là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân, chứa đựng tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm, lời hiệu triệu thi đua ái quốc của Người dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp. Đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, nói, thư,… gửi giới công – thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Nội dung các bài viết, nói, thư… ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển.
Trong bài Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân dân số ra ngày 09/11/1955[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân…”.
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (tổ chức tại Hà Nội ngày 31/5/1956) với sự tham dự của 354 đại biểu, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngành thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”[3].
Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp ngày 22/1/1960, Bác căn dặn: “… các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: Vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương”[4].
Ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương vào ngày 13/10/1945 và những lời căn dặn của Người với lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Các Nghị quyết số 09-NQ/TW (ngày 9/12/2011)[5] và Nghị quyết số 41/NQ-TW (ngày 10/10/2023)[6] của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
Thực tế đã cho thấy, cùng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, lực lượng doanh nhân trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Doanh nhân trẻ là lực lượng tiên phong trong việc khởi nghiệp, sáng tạo, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nhân trẻ là lực lượng năng động, sáng tạo và có khả năng tiếp cận công nghệ mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế; dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro, là động lực cho đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh. Nhiều doanh nhân trẻ thành công đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam, có thể kể tới những cái tên như: Trương Gia Bình, Cổ Gia Thọ, Vũ Văn Tiền, Võ Quốc Thắng, Trần Bá Dương, Trần Đình Long…
Doanh nhân trẻ Việt Nam thời kỳ mới là những người có đủ phẩm chất, năng lực và ý chí để khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Xây dựng giá trị hình mẫu cho doanh nhân trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới là một quá trình quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và đầy thách thức. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam diễn ra cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đội ngũ doanh nhân trẻ phải đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nhiều lần những thành tựu, kết quả trong 30 năm qua; các doanh nhân ngày càng phát triển, thế hệ sau kế thừa, phát huy thành quả, kinh nghiệm của thế hệ trước, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ngày càng lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn, phát huy trách nhiệm xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn nhất là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc[7].
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[8]. Đây vừa là sự kế thừa và cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay; đồng thời là một mục tiêu cao đẹp, cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc hướng đất nước đến con đường phát triển mới, vừa là sự kết tinh mơ ước, khát vọng bấy lâu nay của cả dân tộc Việt Nam. Muốn thực hiện mục tiêu cao đẹp đó, cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ nói chung, lực lượng doanh nhân trẻ Việt Nam nói riêng.
Giai đoạn phát triển mới, vận hội mới của đất nước đang đòi hỏi một thế hệ doanh nhân trẻ tài năng và có trách nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Cùng đó, cơ hội và thách thức mới cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn, sự cạnh tranh không chỉ là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước mà là sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, trong đó lực lượng doanh nhân là nòng cốt. Vì thế các doanh nghiệp cũng phải chuyển mình và đội ngũ doanh nhân cũng phải thay đổi nhanh và kịp thời, nếu không chúng ta sẽ không theo kịp xu xướng của thời đại. Thực tế chứng minh có nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ vững được trước sóng gió của nền kinh tế trong những năm vừa qua. Đứng trước sự thay đổi này, doanh nhân trẻ cần có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc; có ý chí, nghị lực, ý thức tình nguyện vì cộng đồng; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, đề cao phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh để trở thành đội ngũ xung kích, tiên phong, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Tương lai của đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ, trong đó có các doanh nhân trẻ. Với tài năng, trí tuệ và khát vọng của mình, họ sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng. như Bác Hồ hằng mong đợi “sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
Búa Liềm
—————
[1] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/thu-bac-ho-gui-gioi-cong-thuong-viet-nam-2601
[2] https://hochiminh.nhandan.vn/hoan-nghenh-hoi-nghi-can-bo-quan-ly-xi-nghiep-519.html
[3] https://sotaichinh.haugiang.gov.vn/xem-chi-tiet/-/tin-tuc/Bac-Ho-va-su-nghiep-xay-dung-oi-ngu-doanh-nhan98713
[4] https://sotaichinh.haugiang.gov.vn/xem-chi-tiet/-/tin-tuc/Bac-Ho-va-su-nghiep-xay-dung-oi-ngu-doanh-nhan98713
[5] Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
[6] Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
[7] Nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-du-le-ky-niem-30-nam-phong-trao-doanh-nhan-tre-102231128085856491.htm
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thật, 2021.