Trong những ngày qua, sau khi bài viết về phát triển kinh tế tư nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục có nhiều ý kiến thể hiện trăn trở và kiến nghị tâm huyết của các doanh nhân trẻ đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, nhất là coi kinh tế tư nhân là động lực chính, lực lượng chủ lực, đi đầu trong phát triển đất nước.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo mà còn chủ động đề xuất các kiến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Khát vọng hình thành các tập đoàn tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế
Theo chị Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group, cộng đồng doanh nhân trẻ mong muốn Nghị quyết mới của Trung ương về kinh tế tư nhân sẽ không chỉ là sự tiếp nối, mà còn mang tính dẫn dắt, kiến tạo và đột phá.
Chị Huệ nêu quan điểm, cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, chính sách cũng cần hỗ trợ thực chất hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp tác xã – những thành tố chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân.
Theo chị Huệ, chính khu vực tư nhân sẽ là lực lượng xung kích, tạo nên sự tự cường của nền kinh tế.
Cần cơ chế đặc biệt thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển
Từ góc nhìn của một người chèo lái doanh nghiệp gần 20 năm qua, chị Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, đề xuất cần phát triển các quỹ đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Chị Mẫu nhận định, nếu không có đầu tư vào R&D thì không thể có đổi mới công nghệ, không thể tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch Hội còn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, từ ưu đãi thuế đến tín dụng, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn vào đổi mới sáng tạo.
Tận dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh
Trăn trở trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp, anh Hoàng Công Đoàn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sông Thao, nhấn mạnh vai trò của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực tư nhân.
Theo anh Đoàn, việc tận dụng các nền tảng công nghệ mới như AI, blockchain hay Internet vạn vật (IoT) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. Ông cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, chuyển giao tri thức và nâng cao năng lực nội sinh.
Anh Đoàn cho rằng, doanh nhân trẻ chính là lực lượng đi đầu trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo – điều kiện tiên quyết để khu vực tư nhân phát triển bền vững.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để hình thành lớp doanh nghiệp mới
Dưới góc độ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group, cho rằng, cần thiết lập một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng bộ và chuyên nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò trung tâm.
Anh Hùng kiến nghị nên có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi của các tập đoàn FDI lớn. Đồng thời, cần mở rộng không gian thử nghiệm chính sách (sandbox) để các mô hình kinh doanh mới có thể được ứng dụng nhanh và linh hoạt.
Chủ tịch CLB Đầu tư & Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, chỉ khi có một thế hệ doanh nghiệp mới tiên phong, mạnh về công nghệ, sáng tạo trong quản trị, mới kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.