Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng. Nghị quyết có mục tiêu tổng quát là “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.
Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và nền tảng phát triển mạnh mẽ
Tròn 30 năm hình thành và phát triển, phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam đã góp phần tạo nên thế hệ doanh nhân mới của đất nước có khát vọng, hoài bão, tri thức, có trí tuệ, đã và đang là những hạt nhân đi đầu trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Qua bảy nhiệm kỳ hoạt động, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động tiêu biểu được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giới doanh nhân trẻ và xã hội quan tâm ghi nhận. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có mạng lưới tại 63 tỉnh, thành phố, tham gia vào mạng lưới doanh nhân trẻ khu vực và quốc tế. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cộng đồng doanh nhân trẻ thành viên.
Trong 30 năm qua, Hội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp lực lượng doanh nhân trẻ Việt Nam cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp của Hội đang tạo việc làm cho trên 3 triệu người, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 30 tỷ USD. Nhiều doanh nhân trẻ đã tham gia vào Quốc hội, trở thành những đại biểu quốc hội có tiếng nói quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ: “Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam xác định mục tiêu công tác Hội và phong trào doanh nhân trẻ trong nhiệm kỳ 2022-2025 với các hoạt động trọng tâm như: Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vững mạnh; Đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hội viên trong kỷ nguyên số; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; Thúc đẩy vai trò hệ sinh thái doanh nhân trẻ trong hoạch định chính sách quốc gia. Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cụ thể hóa và thực hiện tốt những quan điểm, định hướng, nhiệm vụ của Đảng. Đây chính là động lực để doanh nhân trẻ phấn đấu 10-20 năm nữa, xuất hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vươn lên, trở thành những tập đoàn toàn cầu, là trụ cột của nền kinh tế quốc gia”.
Nhiều hoạt động nổi bật của Doanh nhân trẻ là điểm nhấn khẳng định vai trò của doanh nhân Việt Nam phát triển chính trị – kinh tế – xã hội của đất nước
“Cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nhân trẻ và thanh niên Việt Nam” với nội dung trọng tâm là Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Giải thưởng Sao Đỏ – Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu; Chương trình bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc; các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đối ngoại và hợp tác quốc tế: Tổ chức và tham gia các Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN, đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng doanh nhân trẻ ASEAN 2020 với việc tổ chức thành công Carnival doanh nghiệp trẻ lần thứ VI; trở thành thành viên chính thức của tổ chức doanh nhân trẻ châu Á-Thái Bình Dương; Sáng kiến trong việc thành lập Ban Đối thoại chính sách và Câu lạc bộ nữ doanh nhân trẻ ASEAN; tổ chức các chương trình giao lưu liên kết, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu liên kết đoanh nhân trẻ theo khu vực, cụm.
Triển khai các chương trình xã hội như: các hoạt động từ thiện, xã hội từ trung ương đến địa phương với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; nhiều mô hình sáng tạo trong phòng chống dịch Covid-19 mang ý nghĩa an sinh – tận tâm – mau chóng; đồng hành hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các hoạt động hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung; tri ân các gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ… Và đặc biệt, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các chương trình tư vấn chính sách: tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam được triển khai từ năm 2016, là kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là cơ quan tham mưu đắc lực, đóng góp hiệu quả vào tiến trình hoàn thiện chính sách.
Chiến lược phát triển Việt Nam – đề án tiên phong trong thúc đẩy vai trò của doanh nhân trẻ trong xây dựng chính sách Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025
Hội doanh nhân trẻ Việt Nam bằng nguồn lực sẵn có, với số lượng thành viên đông đảo hoạt động trong tất cả ngành nghề thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trải dài trên khắp đất nước là một lực lượng mạnh trong quá trình phản biện và góp ý chính sách. Ngoài việc đóng góp nhân lực là các nhà quản trị doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, các chuyên gia của các lĩnh vực từ kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa đến khoa học công nghệ tiên phong. Hội doanh nhân trẻ còn đóng góp về tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật, nền tảng công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn vào quá trình đào tạo thế hệ trẻ, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các doanh nhân, hợp tác thúc đẩy nghiên cứu chính sách với các đơn vị nghiên cứu hàng đầu để cùng đồng hành phát triển.
Hội doanh nhân trẻ với các mục tiêu và hoạt động đã thể hiện cam kết phát triển trong nhiều lĩnh vực, sẵn sàng đồng hành hợp tác thiết kế chính sách Quốc gia:
- Thúc đẩy và khẳng định vai trò, vị thế của doanh nhân trẻ trong xây dựng chính sách. Tổ chức phát triển, xây dựng, triển khai đối thoại, kiến nghị, tác động chính sách Quốc gia của doanh nhân trẻ.
- Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, tổng hợp thông tin, cơ sở lý luận, phát triển nội dung và tăng cường hoạt động chiều sâu với các hợp tác Chính phủ và các đối tác chính trị – kinh tế – xã hội cho doanh nhân trẻ.
- Nỗ lực nâng cao năng lực xây dựng chính sách và phát triển hình ảnh của doanh nhân trẻ trong nghị trường.
“Chiến lược phát triển Việt Nam” là một sáng kiến huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ sinh thái khoa học – doanh nhân – thanh niên tham gia truyền thông chính sách. Sáng kiến được phát động bởi Hội doanh nhân trẻ Việt Nam với các đối tác, như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển. Đến nay đã liên kết phát triển với nhiều cơ quan khác trong phối hợp hoạt động như: Văn phòng Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Theo bà Nguyễn Thy Nga, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Chính sách doanh nhân trẻ Việt Nam: “Doanh nhân trẻ sẵn sàng phối hợp với tất cả các đối tác vì các mục tiêu chung cho phát triển kinh tế Việt Nam. Để thúc đẩy sáng kiến “Chiến lược phát triển Việt Nam”, chúng tôi huy động nguồn lực xã hội vào nghiên cứu và truyền thông chính sách, tập hợp các lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và thi hành chính sách (cơ quan soạn thảo luật; các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng các doanh nhân, doanh nghiệp), xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công lập, tạo thành sức mạnh tập thể từ thực tiễn đến lý luận, để công tác nghiên cứu và truyền thông chính sách thực sự thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành và đưa chính sách vào cuộc sống và từ cuộc sống góp phần xây dựng chính sách”.
Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và các cơ quan phát động đang không ngừng phát triển liên kết và lên kế hoạch tổ chức hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực góp ý, đề xuất, kiến nghị, nghiên cứu phát triển chính sách. Trên cơ sở quy tụ nguồn lực khoa học – doanh nhân – thanh niên nhằm sản xuất nội dung, thiết kế chính sách, tập hợp cơ sở dữ liệu thực tiễn để tăng cường tính chính xác trong khoa học chính sách và dự báo chính sách, nâng cao ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng chính sách.
Sáng kiến phát triển hệ sinh thái là một sáng kiến mở, không ngừng mở rộng kết nối trong nước và quốc tế, để cùng tổ chức nhiều hoạt động để vẽ nên bức tranh VIỆT NAM 2045 gửi đến cho các cơ quan hoạch định chính sách và ban hành chính sách, góp phần đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa các mục tiêu KHÁT VỌNG VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG.
Tầm nhìn đến 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Sự thay đổi về công nghệ đòi hỏi cần có những chính sách pháp lý, cải cách mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, và cần thiết phải tăng cường tương tác chính sách để NGƯỜI DÂN – DOANH NHÂN – KHOA HỌC – TRUYỀN THÔNG dễ dàng tiếp cận và kiến tạo.
Sáng kiến Chiến lược phát triển Việt nam thúc đẩy các cách thức nghiên cứu – truyền thông chính sách có hệ thống, tổ chức liền mạch, hệ thống dữ liệu, nội dung tổng quát, chuyên sâu. Truyền thông chính sách bao trùm từ phát hiện vấn đề chính sách, đến đánh giá tác động, đồng thời dự báo được các phản ứng chính sách, và lấy ý kiến tạo sự đồng thuận xã hội trong suốt quá trình dự thảo và thực thi chính sách.
Kết luận
Thể chế, chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp, có tầm nhìn, khả năng dự báo và định hướng chiến lược dẫn đường cho sự phát triển của quốc gia, thể chế chính sách phản ánh trực tiếp sự phát triển hình ảnh, vị thế, uy tín quốc gia; có tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến từng hoạt động của doanh nhân. Việc xây dựng, ban hành và thực thi thể chế, chính sách cũng như huy động, phân bổ hợp lý các nguồn lực là trọng trách của cả hệ thống chính trị, nhưng để có một môi trường kinh doanh thuận lợi và ngày càng “có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn” như Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra, thì cần sự đóng góp xây dựng chính sách pháp luật không nhỏ từ cộng đồng doanh nhân Việt Nam, trong đó mạng lưới doanh nhân trẻ “người thực – việc thực – nói thực – làm thực” luôn nỗ lực tiên phong và cam kết đồng hành.
Hội doanh nhân trẻ khi tham gia vào các hoạt động dự thảo và truyền thông chính sách mang lại hình ảnh, giá trị và vị thế của Hội trong quá trình hoạch định chính sách. Đồng thời với các dự thảo chính sách được thông qua có tác động tích cực và hiệu quả thực tiễn tối đa đối với hoạt động của Hội và các doanh nghiệp hội viên khi chính họ là những người thực hiện dự thảo chính sách. Hội đồng nghiên cứu chính sách và phát triển thương hiệu của Hội doanh nhân trẻ và cộng động doanh nhân doanh nghiệp là cầu nối chặt chẽ trong việc huy động nguồn lực của Hội tham gia sâu rộng vào quá trình dự thảo chính sách và hoạt động truyền thông chính sách. Hội doanh nhân trẻ sẽ là cánh tay nối dài của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội. Huy động và sử dụng tối đa nguồn lực và trí tuệ tập thể của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách thời kỳ mới như Nghị quyết số 41-NQ/TW, mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ nối tiếp của doanh nhân, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp sức tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Chính trị (2023), Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
- Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- European Parliament (2014), Mapping Smart Cities in the EU, European Parliament, Directorate General for internal policies, Brussels.
- Feeney, M. K., and Brown, A. (2017), Are small cities online? Content, ranking, and variation of US municipal websites, Government Information Quarterly.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2020), Báo cáo số 0036/PTM – KHTH về tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2019, ngày 8/1/2020.
- Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1497/QĐ-TTg, ngày 08/11/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
-
Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhóm chuyên gia Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam