Sáng 27.11, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 30 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Changed vs Unchanged” (Thay đổi vs Bất biến) nhân dịp kỷ niệm 30 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Tham dự chương trình có ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và gần 400 doanh nhân trẻ toàn quốc.
“Chúng ta sẽ là ai?”
Phát biểu tại tọa đàm, anh Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết qua 30 năm hình thành và phát triển, cùng với sự phát triển của đất nước, Hội Doanh nhân Việt Nam đã ngày một trưởng thành và lớn mạnh, từng bước chủ động xác lập vị trí của mình trong nền kinh tế, khẳng định sự phát triển bền vững, hội tụ nhân tài, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Anh Hồng Anh nói: “Trong thế giới đang không ngừng biến đổi hôm nay, quá trình học tập, thay đổi của mỗi cá nhân là một quá trình lâu dài không phải một sớm một chiều và để đi được một chặng đường dài, chúng ta phải chọn cách đi cùng nhau, chấp nhận thay đổi để tồn tại”.
Lấy ví dụ về chim đại bàng là loài chim mạnh mẽ, được mệnh danh là chúa tể của bầu trời, đã sống đến 80 năm tuổi, một con số khá lớn mà không phải con vật nào cũng đạt tới, anh Hồng Anh cho rằng, để có được tuổi thọ đó loài chim này đã trải qua quá trình lột xác rất đau đớn.
Anh Hồng Anh cũng cho rằng, trong sự biến đổi ấy, có những giá trị bất biến mà có lẽ không hề thay đổi đối với mỗi một chú chim đại bàng. Đó là sự bản lĩnh, sức chịu đựng, niềm kiêu hãnh và một khát khao được sống.
“Câu chuyện về sự thay đổi của đại bàng tôi vừa đề cập ở trên cũng là nội dung mà tọa đàm hôm nay với chủ đề “Thay đổi – Bất biến” sẽ giúp chúng ta nhận định rõ hơn về việc vì sao mỗi doanh nhân trong thời đại hôm nay cần phải thay đổi, nếu thay đổi thì những thay đổi đó là gì? Khó khăn của việc thay đổi đó sẽ là thế nào? Trong những thay đổi đó, những giá trị nào cần được giữ gìn, phát huy để biến nó trở thành sức mạnh của chúng ta trong chặng đường sắp tới?”, anh Hồng Anh nói.
Anh Hồng Anh cũng đặt câu hỏi: Hành trình 10 năm, 20 năm hay 30 năm tiếp nữa, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói riêng, cộng đồng doanh nhân trẻ nói chung chúng ta sẽ là ai? Chúng ta sẽ ở đâu trong thế giới này?
Đồng thời, anh Hồng Anh mong muốn tại tọa đàm hôm nay sẽ có được câu trả lời chuẩn xác, đem lại nhiều giá trị tích cực cho mỗi doanh nhân trẻ.
Doanh nhân trẻ phải là những người tử tế
Tại phiên 1 của tọa đàm, các khách mời đầu tiên là các chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam các thời kỳ đã đưa ra mong muốn về doanh nhân trẻ. Anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khóa 1) kể, thời kỳ anh làm chủ tịch, doanh nhân bị coi là “trọc phú”, “con buôn”. Vì vậy, anh chỉ mong muốn khẳng định vị thế đội ngũ doanh nhân là tạo ra giá trị tài sản, nộp thuế, giải quyết việc làm, các công tác xã hội và là những người có trái tim tử tế.
Anh Bình nói: “Sau 30 năm nhìn lại, tôi có hỏi các vị chủ tịch các thời kỳ, chúng ta đã hoàn thành sứ mạng chưa. Câu trả lời có lẽ là chưa. Chúng ta phải tiếp tục khẳng định vai trò và hình ảnh của doanh nhân trong xã hội. Chúng ta phải trở thành người đẹp nhất trong xã hội Việt Nam”, ông Bình khẳng định.
Cũng bày tỏ mong muốn về Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh Phương Hữu Việt (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 2) nói: “Mong muốn đầu tiên của tôi, doanh nhân trẻ phải là những người tử tế. Thứ hai, là phải có khát vọng, từ đó khát khao từng ngày từng giờ để đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu. Cộng đồng doanh nhân trẻ cần xác định vai trò của bản thân trong tương lai, gắn với những đóng góp để dựng xây đất nước Việt Nam hùng cường”.
Tiếp nối mạch cảm xúc, anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 3, chia sẻ: “Trưởng thành từ phong trào doanh nhân trẻ, tôi học được rất nhiều điều từ anh chị em, từ đó vận dụng vào cả trong công việc và cuộc sống. Với chúng tôi, ngoài mục tiêu làm sao cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, thì ai cũng chú trọng đến những thế hệ doanh nhân trẻ kế cận, cố gắng rút ra bài học từ bản thân để phát triển tương lai. Tôi mong rằng, các bạn doanh nhân trẻ ngày nay tìm được cho mình những người bạn, người dẫn đường tốt để học hỏi, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh”.
Còn anh Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 4 tự hào cho rằng, chưa có đất nước nào trong Châu Á làm được như Việt Nam, xuyên suốt từ Trung ương đến các tỉnh thành tạo lực cho chúng ta hình thành chính sách, góp tiếng nói tạo nền cho Doanh nhân trẻ khởi nghiệp ở các địa phương có bệ đỡ đi lên, đây là nét rất riêng không đâu có được, chúng ta có tổ chức rất đẹp.
Đặt ra câu hỏi cho lực lượng doanh nhân trẻ trong thời kỳ mới, anh Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội khóa 5 đề nghị: “Làm thế nào để tiếp tục hình ảnh doanh nhân trong thời gian tới, tạo sức bật cho các thế hệ?”.
“Thiết nghĩ chúng ta đưa thành tiền lệ mỗi năm gặp mặt lãnh đạo Doanh nhân trẻ các thời kỳ do chính lãnh đạo các thế hệ tổ chức để khơi gợi được tinh thần học tập suốt đời, tức tạo ra tầm và ý chí phấn đấu không mệt mỏi mang tính dân tộc trong từng hội viên, khi đó sức mạnh chung của Hội sẽ to lớn hơn rất nhiều” – anh Bùi Văn Quân nói.
Chia sẻ về vai trò của thế hệ doanh nhân trẻ thời kỳ mới, anh Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 7, cho rằng thế hệ doanh nhân trẻ đang kế thừa truyền thống của Hội. “Kỷ niệm 30 năm, chúng tôi sẽ nhìn nhận bất cập để thay đổi, những cái hay thì sẽ phát triển quyết liệt, sáng tạo hơn. Chúng tôi luôn xây dựng hình ảnh đẹp của doanh nhân trẻ, không phải làm “nô lệ” của đồng tiền mà luôn chia sẻ với xã hội”, anh Hồng Anh nói.
Đồng thời, anh Hồng Anh cho biết, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nhân trẻ Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, hoạt động, đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho xã hội và đất nước. Đặc biệt, Hội đang triển khai rất nhiều chương để chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
“Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang có các chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, nuôi trẻ mồ côi, hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật; hiến máu tình nguyện… và các hoạt động đào tạo chia sẻ cho các hội viên, câu lạc bộ học về kinh nghiệm điều hành, kinh nghiệm sống, để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Hội”, anh Hồng Anh chia sẻ.
Duy trì bộ “gen” tử tế trong thời đại biến đổi
Phiên 2 của Tọa đàm là nơi các doanh nhân trẻ Việt Nam cũng như quốc tế nêu nhiều quan điểm đáng suy ngẫm về tương lai của thế giới, cũng như cách doanh nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi đó.
Chị Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Western Pacific cho rằng thế giới đang thay đổi nhanh và những doanh nghiệp không thay đổi tức là đang tụt hậu. Với doanh nhân, nếu luôn trong tâm thế dấn thân thì những thay đổi sẽ ở thế chủ động và giảm thiểu nhiều rủi ro.
Lấy câu chuyện khởi nghiệp của bản thân ra làm ví dụ, chị Bích Huệ nói rằng doanh nghiệp của mình luôn duy trì kiểu thay đổi vừa bị động vừa chủ động, tức là xã hội thay đổi đến đâu thì doanh nghiệp thay đổi đến đó và bà từng bằng lòng với thành quả của mình.
“Chỉ đến khi năm 2019 trung tâm logistics của tôi bốc cháy, tôi mới thấy sự chủ động thay đổi quan trọng, bởi việc hợp tác trong nước và vay vốn lúc đó đều khó khăn. Vậy nên tôi chuyển hướng và hòa nhập hợp tác quốc tế nhiều hơn, thay vì nghĩ rằng chỉ hợp tác với đối tác trong nước hay các nước cùng văn hóa. Ngay sau đó tôi đã tìm được đối tác Nhật Bản rất tốt và mang lại nhiều thành quả”, chị Bích Huệ kể lại câu chuyện của mình.
Vấn đề thay đổi như trên không chỉ đúng với doanh nghiệp, mà còn đúng với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Nữ Phó chủ tịch cho biết 10 năm trước, họ nghĩ rằng Doanh nhân trẻ Việt Nam chỉ phát triển trong nước, nhưng hiện tại Hội đã mở rộng ra toàn thể ASEAN và cả ASEAN+3. Cách đây 10 năm, doanh nhân trẻ Việt Nam tham dự Hội Doanh nhân trẻ ASEAN với tâm thế là khách mời, nhưng giờ là tâm thế cùng nhau hợp tác, cùng nhau chia sẻ.
“Mái nhà Hội Doanh nhân trẻ ASEAN đã mở rộng các nguồn lực, chia sẻ thông tin, tài nguyên của nhau để các hội viên có thể tìm đến hợp tác thông qua công nghệ, tiết kiệm rất nhiều thời gian để mọi người có thể tham gia vào cuộc chơi này”, chị Bích Huệ khẳng định.
Đồng quan điểm trên, bà Deborah Melissa Bottreau, Chủ tịch Liên minh các Hiệp hội Doanh nhân trẻ quốc tế, Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ ASEAN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Malaysia, nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo là động lực cơ bản để doanh nghiệp duy trì khả năng tăng trưởng và tiến về phía trước. Bà cho rằng thay đổi luôn có rủi ro nhưng nếu không tiến về phía trước mà cứ đi vào vô định thì doanh nghiệp sẽ không có môi trường tạo ra những ý tưởng mới.
“Đại dịch cho thấy chúng ta buộc phải thay đổi dù có thích hay không. Giống như leo núi ban đầu khó khăn nhưng khi leo lên đỉnh chúng ta không hối hận”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Malaysia đánh giá.
Ở cương vị Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ ASEAN, bà Deborah Melissa Bottreau cũng nhìn nhận Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là nhân tố chủ động, tích cực tham gia hoạt động của cộng đồng doanh nhân trẻ ASEAN. “Chúng tôi giống như một gia đình chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau”, bà nói.
Duy trì bộ gen tử tế
Trong bối cảnh doanh nghiệp luôn không ngừng thay đổi để thích ứng với môi trường xung quanh, vẫn có những giá trị cốt lõi cần được giữ lại. Và anh Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đều đồng tình rằng, bộ gen cần giữ lại đó chính là sự tử tế.
“Thông thường mọi người thường mất đi giá trị cốt lõi là vì chưa áp dụng giá trị đó vào cuộc sống, mọi người thường đổ lỗi cho hoàn cảnh sống. Còn nếu mỗi ngày giá trị cốt lõi đều được áp dụng thì sẽ không bao giờ mất đi”, doanh nhân Lê Trí Thông cho biết.
Với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, vị doanh nhân nói rằng việc hợp tác giữa các thành viên trong Hội cũng như quốc tế phải chuyển từ tâm thế “hội” sang “nhập” để có thêm nhiều cách thức làm việc và kết nối mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, có 3 điều cốt lõi mà doanh nghiệp cần chú ý đó là “bền vững”, “tạo giá trị” và “sáng tạo”.
“Đôi khi những yếu tố này không chỉ nằm trên sổ kế toán mà là những giá trị vô hình tạo ra cho xã hội, con người”, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ.
Từ góc nhìn quốc tế, ông Rommel Gerodias, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ châu Á – Thái Bình Dương (YEGAP) cho rằng, trong thời điểm hiện nay, tất cả quốc gia, doanh nghiệp đều phải đối diện với vấn đề thay đổi khí hậu, môi trường, thay đổi trong cách thức kinh doanh và sử dụng công nghệ.
Tuy nhiên, điều không thay đổi là các giá trị cốt lõi, gồm: Tính trung thực, minh bạch, sự hợp tác và làm việc cùng nhau. Đây là những điều quan trọng để xã hội tồn tại được, là giá trị cốt lõi để ứng phó với thách thức môi trường và bảo vệ lợi ích của thế hệ tương lai.
“Nếu không có tính trung thực, đạo đức, chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững mà chỉ tập trung vào việc thụ hưởng”, ông Rommel Gerodias chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Hiromi Aoki, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội doanh nhân trẻ Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một nơi tuyệt vời để khởi nghiệp.
Nhờ sự phát triển công nghệ, Việt Nam đã có nhiều sản phẩm mới vươn ra thị trường quốc tế như xe điện, xe tự lái. Công nghệ mới như AI cũng phát triển mạnh mẽ từ Việt Nam ra thế giới. “Chúng tôi nhìn thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho sự hợp tác của các doanh nghiệp”.
“Khi chúng tôi tổ chức hoạt động, Việt Nam rất hăng hái tham gia và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Hội Doanh nhân trẻ châu Á – Thái Bình Dương (YEGAP). Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều tương lai phát triển hơn nữa nếu được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn về chính sách, vốn, các chương trình ươm tạo…”, Chủ tịch YEGAP bày tỏ tin tưởng.
Ông Hoàng Bình Quân, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Làm doanh nhân là một nghề, hơn thế là một “nghiệp” Trong cuộc sống có rất nhiều mối lương duyên, có duyên phận, duyên tình, duyên số, với tôi đã là doanh nhân thì đó còn là “duyên nghiệp”, cái nghiệp đi suốt cuộc đời. Thấy khó khăn, thất bại đã sợ, đã nản chí thì không thể làm doanh nhân được. Phải nhìn trong tâm thế sẵn sàng lạc quan, khó khăn phải thay đổi, đó chỉ là thử thách trước mắt, bởi cơ hội chúng ta đang có quá lớn. Chưa nước nào có nền kinh tế mở như Việt Nam, chúng ta có rất nhiều “sân chơi” trong hành trình ra biển lớn. Song, chúng ta có biến thị trường thế giới thành thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam hay không, có sử dụng nhân lực trên thế giới là người của doanh nghiệp Việt Nam hay không, biến tiền bạc trên khắp thế giới thành nguồn vốn của chúng ta và người tiêu dùng trên toàn cầu là khách hàng của sản phẩm Việt Nam hay không? Đây là các câu hỏi mà mỗi Doanh nhân trẻ Việt Nam phải đặt ra, phải tìm cách trả lời là có. Khi đó, doanh nghiệp, Doanh nhân trẻ sẽ có những bước nhảy mang tính thời đại. Ngay bây giờ chúng ta nên đẩy mạnh Hợp tác các trung tâm Đại học để nâng tầm Doanh nhân trẻ lên. Chúng ta phải thực hiện khát vọng đất nước phồn vinh hạnh phúc, hòa khát vọng doanh nghiệp của các bạn vào đất nước. |