Một trái tim lớn đã ngừng đập! Qua 3 nhiệm kỳ, với 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với Đảng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổng Bí thư đặc biệt khuyến khích việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, nhằm giúp doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; chú trọng việc giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, Tổng Bí thư kiên quyết chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những nỗ lực này không chỉ làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp; thúc đẩy hoàn thiện các khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
![Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: VietnamPlus.](https://vyea.org.vn/wp-content/uploads/2024/07/kinh-te-viet-nam-2023-nhan-dien-thach-thuc-va-dong-luc-tang-truong-20230914154226.jpg)
Đặc biệt, trước những đòi hỏi phát triển đất nước, ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết xác định rõ, “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”.
Các mục tiêu cụ thể trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng được Đảng ta đặt ra, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 – 65%.
Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Đảng cũng đưa ra nhiều giải pháp định hướng về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền và nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…
Khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước
Một trong những dấu ấn quan trọng và được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam khắc ghi nhất trong 13 năm làm Tổng Bí thư, đó là việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành hai Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trở thành “thước đo”, “kim chỉ nam” cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đề ra 7 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nguồn cổ vũ, động viên khích lệ lớn lao, tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Như vậy, trong suốt thời gian triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng sức sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, huy động các nguồn lực để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội. Thế hệ doanh nhân ngày nay luôn có ý thức giữ gìn chữ “Tín”, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp.
2 năm sau khi tổng kết Nghị quyết 09, Nghị quyết 41-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09, thêm một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
![Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.](https://vyea.org.vn/wp-content/uploads/2024/07/ttxvn-nguyen-phu-trong-1-8740.jpg.jpg)
Theo đó, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu cụ thể là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước… Đặc biệt, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân trẻ” đã được đề cập đến là một trong những chủ thể của Nghị quyết, được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm, thúc đẩy. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn của đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được xem là liều thuốc đặc trị, là nguồn cảm hứng, chấn hưng tinh thần cho doanh nhân tiếp tục tin vào chính mình, vào sứ mệnh của doanh nhân với đất nước trong thời kỳ mới.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” – là lời tổng kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới đất nước. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam tự hào khi đã đóng góp công sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với tinh thần “Biến đau thương thành hành động”, doanh nhân trẻ Việt Nam nói riêng, doanh nhân Việt Nam nói chung sẽ tận dụng tốt, và chắc chắn sẽ tận dụng hiệu quả thời cơ này để đưa khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành hiện thực, theo tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân, vì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Búa Liềm