Mỗi năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là một thời điểm lịch sử mang ý nghĩa trọng đại, là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Truyền thống ngày Quốc tế Lao động
Ngày 1/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: “… Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.
Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930 – lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 – 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mit tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.
Doanh nhân trẻ Việt Nam coi người lao động là “hạt nhân” trong sự phát triển
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của thanh niên Việt Nam. Các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang tạo doanh thu hằng năm hơn 40 tỷ USD, đóng góp hơn 10% GDP của cả nước và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động.
Xác định nhiệm vụ chăm lo tốt đời sống cho người lao động là mục tiêu hàng đầu, bên cạnh nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển bền vững thì công tác an sinh xã hội, chăm lo thiết thực cho người lao động cũng là nội dung trọng tâm mà các doanh nghiệp hội viên của Hội tích cực triển khai.
Các doanh nghiệp hội viên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ chính sách đối với người lao động, như: thực hiện tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động; tổ chức chăm lo thường xuyên sức khỏe cán bộ, công nhân lao động, gắn với tổ chức tốt việc khám sức khỏe định kỳ…
Không chỉ chăm lo về đời sống vật chất, các doanh nghiệp hội viên cũng dành sự quan tâm về đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân, người lao động như: Tổ chức đi tham quan du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ sinh hoạt cho người lao động tại nơi sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho người lao động vượt qua khó khăn, bệnh tật… Đây là những chính sách vô cùng thiết thực, hiệu quả giúp cho người lao động an tâm, thêm gắn kết với các doanh nghiệp đồng thời không ngừng cố gắng trong lao động, sản xuất, cùng chung tay xây dựng đơn vị, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Xác định sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp không thể không kể đến những đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động, tổ chức Hội Doanh nhân trẻ trong cả nước luôn có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đặc biệt, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo nhằm tôn vinh, biểu dương người lao động, trong số đó có Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương. Trong nhiều năm liên tục, Ủy ban Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đã tổ chức bình chọn, khen thưởng cho người lao động tiêu biểu của các doanh nghiệp. Anh Nguyễn Công Hải, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Dương cho biết, đây là hoạt động thường niên truyền thống của Hội, nhằm lựa chọn, tôn vinh những người lao động tiêu biểu, góp phần tích cực cho sự phát triển của các doanh nghiệp hội viên nói riêng, tổ chức Hội nói chung.
Thời gian tới, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, các doanh nghiệp hội viên trên cả nước và lực lượng công nhân, người lao động của doanh nghiệp hội viên phấn đấu làm tốt hơn nữa để góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tốc phát triển kinh tế; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra các sáng kiến có hiệu quả để áp dụng trong thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp hội viên cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh, cố gắng nâng cao thu nhập cho người lao động…
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng, tổ chức Hội nói chung và toàn xã hội.
Búa Liềm