Khát vọng được khẳng định, được cống hiến chảy mạnh trong huyết mạch, thôi thúc các thế hệ doanh nhân trẻ nỗ lực vượt lên, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, dù trong bối cảnh nào.
Ý tưởng kinh doanh không giới hạn
Hòa Phát đang nghiên cứu làm đường ray xe lửa, không phải loại đường ray thông thường, mà là đường ray cho tàu tốc độ cao, chuẩn bị sẵn sàng đấu thầu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam…
Thông tin mà Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, diễn ra cuối tuần trước, nhận được nhiều bình luận. Không ít ý kiến đặt vấn đề, việc quá khó với doanh nghiệp Việt, vốn đi sau trong thị trường này, cả về công nghệ và độ trải nghiệm. Ngay ông Long cũng thừa nhận, đây là việc khó, tốn kém và mất nhiều thời gian.
“Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm và có thể kịp tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm nếu có cơ hội”, ông Long nói với các cổ đông của Hòa Phát.
Cơ hội mà ông Long nói là Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 70 tỷ USD mà Chính phủ đang tập trung nghiên cứu phương án tối ưu để có thể phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025, khởi công vào năm 2030 và hoàn thành toàn tuyến dài 1.545 km vào năm 2045.
Trong kế hoạch của vị doanh nhân giờ đã “qua tuổi về hưu”, nhưng là một trong những hội viên sôi nổi nhất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, các bước hiện thực hóa ý tưởng này khá rõ, hoàn thành nghiên cứu vào năm 2026 và ra sản phẩm vào năm 2028…
Tương tự, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương… cũng liên tục xuất hiện với các kế hoạch lớn, chứa đựng nhiều khát vọng gắn với chuyển đổi số, phát triển xanh… của nền kinh tế trong 10-20 năm tới…
Dấu ấn doanh nhân trẻ
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới của nền kinh tế, dấu ấn của doanh nhân trẻ các thế hệ luôn sống động. Có thể nhắc tới Thaco, FPT, Hòa Phát, Geleximco, PNJ, Đồng Tâm, U&I, Phú Thái, Eurowindow, Kinh Đô, Sunhouse, Thành Thành Công… và rất nhiều thương hiệu của các doanh nhân trẻ đang lớn lên.
Điều đáng nói là, không phải các doanh nghiệp, doanh nhân đều thuận buồm xuôi gió.
Nhìn lại giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế, có những lúc, không gian cho kinh tế tư nhân bị bó buộc bởi vô vàn điều kiện, nhưng đây lại là thời điểm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân lớn đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh. Thậm chí, ông Vũ Văn Tiền từng nói, ông làm doanh nhân vì đói nghèo, muốn thay đổi số phận, nên trở thành chứng nhân của những va chạm không hề nhỏ về tư duy phát triển, tư duy về kinh tế tư nhân những năm đầu đổi mới.
Chính bởi vậy, cơ hội của một nền kinh tế đang phát triển, hội nhập mạnh mẽ thúc giục ông bước chân vào các dự án mới.
“Geleximco đã phát triển, nhưng trong thời đại công nghệ và chuyển đổi số, Tập đoàn phải cố gắng hơn nữa, phải có khát vọng to lớn hơn nữa, có quyết tâm hơn nữa để cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nền kinh tế nước nhà thịnh vượng”, ông Tiền chia sẻ.
Đây cũng là mong muốn thế hệ đi trước gửi gắm doanh nhân trẻ hiện tại, khi không gian sân nhà cũng là cạnh tranh quốc tế, đòi hỏi năng lực trí tuệ, công nghệ mang tính toàn cầu. “Doanh nhân trẻ hiện tại đang nắm trong tay lợi thế của thời đại và cơ hội để làm nên những dấu ấn lớn hơn cho nền kinh tế, cho đất nước. Điều này lớn hơn khó khăn trước mắt”, ông Tiền tin tưởng.
Để làm được việc lớn, từng doanh nghiệp đang rất nỗ lực. Hàng loạt cuộc tọa đàm, hội thảo, tư vấn bàn cách tìm cơ trong nguy, tìm cách phát triển bền vững, chuyển đổi số, phát triển xanh… được các doanh nhân trẻ khắp cả nước chủ động thực hiện. Các doanh nhân giàu kinh nghiệm cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp, doanh nhân…
Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ hậu thuẫn cho khát vọng lớn lên, khát vọng được đóng góp vào nền kinh tế của doanh nhân trẻ…
Theo Bảo Duy/Báo Đầu Tư