Là một trong các nội dung tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 10/10/2023.
Bộ Chính trị đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Mặt khác, một bộ phận doanh nhân còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Vì thế, tại Nghị quyết 41 vừa ban hành, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tới 2030 Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công – nông nghiệp.
Đến năm 2045, doanh nghiệp Việt phải có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.
“Chính sách đưa ra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao cạnh tranh, năng lực sản xuất trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn”, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu.
Để có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tầm thế giới trong bối cảnh mới, Nghị quyết Bộ Chính trị đưa ra loạt nhiệm vụ, như chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, có quy mô lớn và dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
Cùng đó, chính sách cần được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Cũng theo Nghị quyết, các khuôn khổ pháp luật phải đảm bảo ổn định, thống nhất và minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính; thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư, và kiểm soát, xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức phải công khai, minh bạch, và có cơ chế ngăn ngừa, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, doanh nhân.
Nhiệm vụ nữa được Bộ Chính trị nêu là hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới./.
Toàn văn Nghị quyết xem Tại đây.