Có khát vọng, biến việc cũ trở nên vĩ đại, giữ hiền tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… là những kinh nghiệm ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ tại buổi gặp gỡ Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc 2024.
Top 10 và Top 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024 đã có cơ hội giao lưu với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tại Hà Nội vào 10/9/2024.
Giữ lửa khát vọng
Mở đầu buổi trao đổi, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh về giữ lửa khát vọng trong mỗi doanh nhân. “Ai cũng nói đến khát vọng nhưng cụ thể khát vọng thế nào, sẽ làm đến đâu mới quan trọng. Khát vọng chân chính là không rời bỏ trong suốt cuộc đời. Khát vọng thể hiện bằng: Thời gian, hành động, sức lực, tiền bạc chúng ta bỏ ra mỗi ngày. Khi các bạn nuôi khát vọng đó không có lý gì chúng ta không có những tập đoàn hàng đầu thế giới”, ông Trương Gia Bình nhắn nhủ.
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp, FPT cũng gặp vô số khó khăn, như chuyện nhiều người không tin việc tập đoàn FPT có thể thành công chinh phục thị trường quốc tế. Hay sau 1 năm hoạt động, văn phòng FPT ở Ấn Độ phải đóng cửa vì không có hợp đồng. Những lúc như vậy, ông Trương Gia Bình cho rằng người làm doanh nhân phải biết chấp nhận thất bại, và luôn giữ lấy gốc yêu thương với doanh nghiệp của mình.
Biến việc cũ trở nên vĩ đại
Trả lời câu hỏi: làm sao để đổi mới những ngành nghề đã cũ? Ông Trương Gia Bình “sửa” lại thành hành động: biến việc cũ trở nên vĩ đại.
“Tôi muốn nói đến câu chuyện công ty sản xuất máy nghe nhạc ở Nhật Bản vào năm 1979. Họ nói với khách hàng: Chúng tôi tôi không giới thiệu sản phẩm mới mà giới thiệu thói quen mới, có thể nghe nhạc bất cứ nơi nào. Đó là chiếc máy nghe nhạc (thay cho đài với băng cối). Họ đã làm mới thói quen cũ bằng cách đưa con chip vào sản phẩm điện tử”, ông Trương Gia Bình kể một câu chuyện thay cho câu trả lời.
Theo ông Bình, công việc của doanh nhân nhiều năm vẫn cũ nếu không nghĩ đến cách làm đột phá. Một trong những đột phá đó là nhờ công nghệ và đưa công nghệ vào sản phẩm.
Giữ hiền tài khi doanh nghiệp còn khó khăn
Nhiều doanh nhân trẻ băn khoăn: khi doanh nghiệp còn trẻ, chưa có nhiều tiền, không thể trả lương cao thì làm cách nào để giữ hiền tài?
Ông Trương Gia Bình nhớ lại giai đoạn thành lập và nuôi dưỡng FPT, ông đã nhiều lần phải gặp gỡ để tâm sự, thuyết phục những nhân sự giỏi làm cùng mình. “Tôi vẽ ra ước mơ lớn để chinh phục trái tim và trí óc của họ”, ông Bình nói.
Trong quá trình làm việc, ông cũng tâm niệm coi cộng sự là người thân trong gia đình. “Tôi quan điểm, lãnh đạo phải yêu thương nhân viên, yêu người tài bằng trái tim của mình, yêu quý họ như người thân. Tiền không giữ được người tài vì họ muốn làm thứ đáng kể cho đời”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Nói về việc xây dựng doanh nghiệp trường tồn, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Những nhà sáng lập FPT cho rằng: Thành công không chỉ ở nỗ lực mà là văn hóa của doanh nghiệp.
Khi quyết định xây dựng VHDN, ông Trương Gia Bình đã đi gặp nhiều nhân sự trong công ty để nói chuyện, trao đổi và thống nhất 6 chữ: Tôn đổi đồng, Chí gương sáng (Tôn trọng – Đổi mới – Đồng đội; Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt). Đây được xem là một phần không thể thiếu kiến tạo nên bộ GEN của FPT, là Tinh thần FPT, là sức mạnh thúc đẩy lãnh đạo, CBNV của Tập đoàn không ngừng nỗ lực, sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng, khách hàng, cổ đông và các bên liên quan khác.
Chấp nhận thất bại
Khi được hỏi: Lúc thất bại, ông nghĩ đến ai và làm gì? Chủ tịch FPT cho rằng người làm doanh nhân phải biết chấp nhận thất bại, và luôn giữ lấy gốc yêu thương với doanh nghiệp của mình.
“Tôi từng có cơ hội gặp Jack Ma. Khi gặp ông ấy, tôi hỏi: Tôi biết anh thất bại nhiều lần, có lúc 24 người xin vào KFC chỉ mình anh không được nhận, làm cách nào để anh đứng dậy? Jack Ma trả lời: Tôi thất bại liên tục, không đứng dậy biết làm gì tiếp theo? Quan trọng nhất là giữ tình yêu và chấp nhận”, Chủ tịch FPT khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ buổi chia sẻ với doanh nhân trẻ, chủ tịch FPT nhắc lại truyền thống của FPT là cứ 5 năm, toàn tập đoàn sẽ viết một cuốn sử ký để chắt lọc lại những bài học trong quá trình làm việc. Ông Bình tâm sự: “Kỷ niệm 35 năm, chúng tôi quyết tâm xuất bản cuốn sách ‘Từ tay trắng đến tập đoàn toàn cầu’. Chúng tôi mong muốn được kể những câu chuyện từ thủa hàn vi đến nay, những khó khăn, thất bại để thế hệ các doanh nhân Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm”.
Trân trọng cảm ơn Công ty CP Tập đoàn FPT – Nhà tài trợ Bạc cho Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024. |
Hay quá!
Những kinh nghiệm của thế hệ đàn anh đi trước sẽ là hành trang quý giá cho lớp DN trẻ đi sau!
Ông Bình chia sẻ rất hay!